Cà phê nhân Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ là tên gọi xuất xứ hàng hóa số 00004 theo Quyết định số 806/QĐ-SHTT ngày 14/10/2005, được sửa đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 1575/QĐ-SHTT ngày 11/5/2020. Theo Quyết định này, cà phê nhân được sản xuất theo phương pháp chế biến khô, phương pháp chế biến ướt trên cao nguyên Buôn Ma Thuột có các điều kiện địa lý tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê Robusta.
Cà phê nhân Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk từ lâu đã được biết đến là một trong những loại cà phê Robusta chất lượng hàng đầu Việt Nam và thế giới. Với hơn 100 năm kinh nghiệm canh tác, kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, người trồng cà phê tại Buôn Ma Thuột đã tạo ra những hạt cà phê nhân đạt chuẩn, có hương vị đậm đà và đặc trưng.
Đặc điểm cảm quan và chất lượng:
Những hạt cà phê nhân được thu hoạch từ những trái cà phê chín đỏ, đảm bảo tỉ lệ chín không dưới 2/3 bề mặt quả, giúp giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên. Sau khi thu hái, quả cà phê được vận chuyển nhanh chóng đến cơ sở chế biến để trải qua các công đoạn sơ chế kỹ lưỡng, bao gồm chế biến ướt hoặc chế biến khô. Quá trình này giúp cà phê nhân Buôn Ma Thuột giữ được chất lượng đồng đều, độ ẩm tiêu chuẩn (12-13%), kích thước hạt lớn và ít lẫn tạp chất.
Cà phê nhân Buôn Ma Thuột nổi bật với hương thơm mạnh mẽ, vị đắng đặc trưng nhưng hậu vị ngọt dịu, tạo nên một trải nghiệm cà phê đậm đà và cuốn hút. Nhờ chất lượng vượt trội, cà phê nhân Buôn Ma Thuột không chỉ là niềm tự hào của Đắk Lắk mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, góp phần khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Điều kiện canh tác:
Cà phê nhân Buôn Ma Thuột được trồng trong điều kiện canh tác đặc biệt, đảm bảo chất lượng hạt cà phê đạt tiêu chuẩn cao. Vùng trồng cà phê chủ yếu là đất bazan màu mỡ, có độ cao trung bình từ 400 - 800m so với mực nước biển, tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Chỉ có giống cà phê Robusta được lựa chọn canh tác, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa của Buôn Ma Thuột, với mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Người trồng cà phê áp dụng phương pháp tạo hình cắt cành hai lần mỗi năm để giúp cây phát triển cân đối và tăng năng suất. Để bảo vệ cây cà phê trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc trồng xen cây che bóng và cây chắn gió là bắt buộc, với mật độ cây che bóng tối thiểu đạt 20% tổng diện tích vườn. Quy trình chăm sóc bao gồm bón phân và tưới nước theo từng giai đoạn sinh trưởng, đảm bảo cây phát triển tối ưu.
Khi thu hoạch, chỉ chọn những quả cà phê có phần chín không nhỏ hơn 2/3 diện tích quả để đảm bảo chất lượng nhân cà phê sau chế biến. Sau khi thu hái, quả cà phê được vận chuyển ngay đến cơ sở chế biến. Trong trường hợp chưa thể chế biến ngay, cà phê phải được bảo quản trên nền khô ráo, thoáng mát và không đổ đống dày quá 40cm để tránh ảnh hưởng đến chất lượng. Với quy trình canh tác nghiêm ngặt và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, cà phê nhân Buôn Ma Thuột luôn giữ được chất lượng vượt trội, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.
Phương pháp chế biến:
Tại Buôn Ma Thuột, cà phê được chế biến theo ba phương pháp chính: chế biến khô, chế biến ướt và chế biến nửa ướt. Mỗi phương pháp đều có ảnh hưởng đến hương vị đặc trưng của hạt cà phê nhân.
Chế biến khô là phương pháp truyền thống, giúp cà phê có hương vị đậm đà và hậu vị ngọt. Quả cà phê chín sau khi thu hoạch sẽ được phơi trên sân khô thoáng. Trong quá trình phơi, người trồng cà phê sẽ đảo đều hạt từ 2 - 3 giờ/lần cho đến khi đạt độ ẩm từ 12 - 12,5%. Nếu thời tiết không thuận lợi, cà phê sẽ được đưa vào sấy với nhiệt độ không quá 75°C để đảm bảo chất lượng hạt nhân.
Chế biến ướt giúp cà phê có hương vị thanh khiết hơn. Ở phương pháp này, quả cà phê sau thu hoạch sẽ được xát bỏ vỏ ngay lập tức, sau đó lên men tự nhiên để loại bỏ lớp nhầy. Sau quá trình lên men, hạt cà phê được rửa sạch rồi mang đi phơi hoặc sấy khô.
Chế biến nửa ướt là sự kết hợp giữa chế biến khô và chế biến ướt. Ở phương pháp này, một phần chất nhầy trên hạt cà phê vẫn được giữ lại, giúp tăng độ ngọt tự nhiên và cân bằng hương vị cho sản phẩm.
Sau khi sơ chế, hạt cà phê sẽ được rang ở nhiệt độ từ 195°C - 225°C tùy theo yêu cầu về hương vị. Những người thợ rang có kinh nghiệm sẽ sử dụng khứu giác, thị giác, thính giác và vị giác để kiểm soát quá trình rang. Nếu rang quá kỹ, cà phê sẽ bị khử mùi, còn rang chưa tới thì hương vị tự nhiên của cà phê chưa được bộc lộ hết. Nhờ vào quy trình chế biến bài bản và kỹ thuật rang chuyên sâu, cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ có hương vị đậm đà, mạnh mẽ mà còn giữ được bản sắc riêng. Điều này giúp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phạm vi địa lý:
- Thành phố Buôn Ma Thuột: Xã Cư Êbur, xã Ea Kao, xã Ea Tu, xã Hòa Khánh, xã Hòa Thắng, xã Hòa Thuận, phường Ea Tam, phường Tân An, phường Tân Hòa, phường Tân Lập, phường Tân Thành, phường Tân Tiến, phường Thành Công, phường Thắng Lợi, phường Thống Nhất, phường Tự An;
- Thị xã Buôn Hồ: Xã Bình Thuận, xã Cư Bao, xã Ea Blang, xã Ea Drông, xã Ea Siên, phường Đoàn Kết, phường Thống Nhất;
- Huyện Buôn Đôn: Xã Ea Bar, xã Ea Nuôl;
- Huyện Cư Kuin: Xã Cư Ê Wi, xã Ea Bhôk, xã Ea Hu, xã Ea Ktur, xã Ea Tiêu, xã Hòa Hiệp;
- Huyện Cư M’gar: Xã Cuôr Đăng, xã Cư Dliê M’nông, xã Cư M’gar, xã Cư Suê, xã Ea Drơng, xã Ea Hđing, xã Ea Kiết, xã Ea Kpam, xã Ea MDroh, xã Ea Tar, xã Ea Tul, thị trấn Ea Pôk, thị trấn Quảng Phú;
- Huyện Ea H’leo: Xã Cư Mốt, xã Dliê Yang, xã Ea H’leo, xã Ea Hiao, xã Ea Khăl, xã Ea Nam, xã Ea Ral, xã Ea Sol, xã Ea Wy;
- Huyện Krông Ana: Xã Dur Kmăl, xã Ea Bông, xã Ea Na, thị trấn Buôn Trấp;
- Huyện Krông Búk: Xã Cư Né, xã Cư Pơng, xã Pơng Drang;
- Huyện Krông Năng: Xã Dliê Ya, xã Ea Hồ, xã Ea Tóh;
- Huyện Krông Pắc: Xã Ea Hiu, xã Ea Kênh, xã Ea Knuếc, xã Ea Kuăng, xã Ea Phê, xã Ea Uy, xã Ea Yông, xã Hòa An, xã Hòa Đông, xã Hòa Tiến, xã Tân Tiến, xã Vụ Bổn, xã Ea Kly, thị trấn Phước An.
Truyền thông nói về sản phẩm Cà phê nhân Buôn Ma Thuật:
Cà phê Buôn Ma Thuột: Danh tiếng từ trăm năm trước: https://www.baodaklak.vn/thoi-su/dak-lak-hanh-trinh-the-ky/202407/ca-phe-buon-ma-thuot-danh-tieng-tu-tram-nam-truoc-26f0e62/
Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới: https://vietnamhoinhap.vn/vi/buon-ma-thuot---thanh-pho-ca-phe-cua-the-gioi-42337.htm
Cà phê Buôn Ma Thuột: Hạt vàng của đại ngàn Tây Nguyên: https://lecoffee.com.vn/ca-phe-buon-ma-thuot-hat-vang-dai-ngan-tay-nguyen/