Trong những năm gần đây, việc phát triển sản xuất hàng hóa gắn với đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản là hướng đi được cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, các hội và người sản xuất rất quan tâm. Tại tỉnh Yên Bái, hơn 10 năm qua Sở Khoa học và công nghệ đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh, tham mưu, triển khai thực hiện các dự án khoa học xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 56 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương, đến nay tỉnh Yên Bái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trao quyền sử dụng cho 44 sản phẩm gồm: 10 Chỉ dẫn địa lý; 21 nhãn hiệu chứng nhận; và 13 nhãn hiệu tập thể.
Ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và ông Đoàn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên chụp ảnh cùng các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm "Khoai tím Lục Yên”; “Cá bỗng Lục Yên” và “Tranh đá quý Lục Yên”
Riêng huyện Lục Yên đến nay đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp 09 văn bằng bảo hộ (08 NHCN; 01 NHTT) cho các sản phẩm như: NHCN (1)Vịt bầu Lâm Thượng, (2)Lạc đỏ Lục Yên, (3)Gà trống thiến Lục Yên, (4)Măng mai Lục Yên, (5)Gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện, (6)Khoai tím Lục Yên, (7) Cá bỗng Lục Yên, (8)Tranh đá quý; (9) Nhãn hiệu tập thể Cam sành Lục Yên.
Dự án: Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Tranh đá quý Lục Yên” cho sản phẩm tranh đá quý huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp chủ trì và Dự án: "Xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Khoai tím Lục Yên”, “Cá bỗng Lục Yên” của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái" do Trung tâm Phát triển công nghệ cao chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Yên và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Yên triển khai thực hiện. Kết quả cả 03 sản phẩm đặc sản, chủ lực của huyện Lục Yên đăng ký xác lập đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Đây là một vinh dự lớn đối với địa phương cũng như tỉnh Yên Bái.
Để triển khai thí điểm việc cấp, trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên đã cấp quyền sử dụng cho 04 hộ dân sản xuất, kinh doanh “Cá bỗng Lục Yên”; 02 hộ dân sản xuất, kinh doanh “Khoai tím Lục Yên” và 15 hộ dân sản xuất, kinh doanh “Tranh đá quý Lục Yên”.
Việc được cấp văn bằng bảo hộ đã khó, nhưng việc bảo vệ, duy trì và phát triển thương hiện sản phẩm sau khi được bảo hộ lại càng khó khăn hơn. Để các nhãn hiệu Chứng nhận "Khoai tím Lục Yên”; “Cá bỗng Lục Yên” và “Tranh đá quý Lục Yên” phát huy được hiệu quả, có uy tín, danh tiếng trên thị trường. Trong thời gian tới huyện Lục Yên cần quan tâm thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:
- Huyện Lục Yên sau khi tiếp nhận các Văn bằng bảo hộ cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm quản lý, phát triển các sản phẩm trong thời gian tới; cũng như tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị, thương hiệu của các sản phẩm.
- Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình quản lý nội bộ của chủ sở hữu nhãn hiệu, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tem, nhãn đảm bảo theo đúng các văn bản quản lý đã xây dựng.
- Quan tâm, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hội sản xuất, người dân mở rộng quy mô sản xuất cho các sản phẩm, cũng như đẩy mạnh mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường mới để sản phẩm đến được tay nhiều người tiêu dùng.
- Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành của tỉnh lồng ghép, triển khai các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ trên địa bàn, để các sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ được phát triển một cách bền vững tương xứng với tiền năng, lợi thế của địa phương.
Việc tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của Cục sở hữu trí tuệ và thí điểm trao quyền sử dụng cho các sản phẩm hôm nay là một cơ hội để quảng bá rộng rãi sản phẩm của huyện Lục Yên với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được tiếp cận và đăng ký sử dụng các nhãn hiệu.
Trần Bình – Phòng QLKH
Nguồn: https://sokhoahocvacongnghe.yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=687&l=Tinhoatdong