Cà Mau nâng cao chất lượng nguồn tôm giống

16:06, 19/12/2023

Yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm đó chính là chất lượng con giống. Với diện tích nuôi trồng thủy sản đứng đầu cả nước, nhất là nuôi tôm, thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn chú trọng nâng cao năng lực sản xuất giống, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về tôm giống để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nguồn giống nhập tỉnh. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu của người nuôi tôm và người tiêu dùng, góp phần phát triển bền vững ngành tôm trong thời gian tới.
 

Chất lượng tôm bố mẹ luôn được các trại sản xuất giống quan tâm.
 

Cà Mau là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, được xác định là trung tâm lớn về thuỷ sản, nhất là nuôi tôm. Với diện tích 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hàng năm trên 40 tỉ con. Dù có lợi thế lớn về nguồn tôm giống bố mẹ cùng với hơn 520 trại sản xuất giống và 200 cơ sở ương dưỡng, Cà Mau hoàn toàn có thể chủ động được nguồn cung tôm giống. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nên mới chỉ đáp ứng được khoảng 49% nhu cầu giống cho người nuôi và phải nhập ngoài tỉnh trên 51%. Nhu cầu giống trong nuôi tôm lớn, cộng với việc chưa chủ động được nguồn cung trong tỉnh nên việc quản lý chất lượng tôm giống phục vụ người nuôi tôm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vấn đề này đã được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người nuôi tôm ở Cà Mau luôn quan tâm, coi trọng.

Thời gian qua, Cà Mau đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng tôm giống, chú trọng đầu tư phát triển sản xuất tôm giống các loại, từng bước chủ động được nguồn cung trong tỉnh và kiểm soát được chất lượng con giống. Trong đó, tập trung phát triển các cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng; tăng cường công tác kiểm định, quản lý chất lượng nguồn tôm giống nhập ngoài tỉnh; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, vận chuyển tôm giống;… góp phần từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu về số lượng phục vụ người nuôi.

Giám đốc Công ty cổ phần giống thủy sản sú chân đỏ TCM (ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) Nguyễn Đức Trung, cho biết: “Thời gian qua, Công ty cổ phần giống thủy sản sú chân đỏ TCM đã sản xuất và cung cấp cho thị trường nguồn tôm giống chất lượng, giúp người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Để sản xuất được con giống chất lượng tốt nhất phục vụ người nuôi, công ty đã áp dụng quy trình, công nghệ tiên tiến, từ lọc nước đến sử dụng các loại men vi sinh được nhập khẩu; quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra và chuyên môn hóa quy trình sản xuất. Thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, cập nhật những công nghệ mới vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa trong công tác quản lý để nâng cao chất lượng và số lượng, đảm bảo cung ứng nguồn tôm giống chất lượng phục vụ nhu cầu của người nuôi”.
 

Tôm sú mẹ của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thủy sản Thảo Nguyên (ấp Chống Mỹ B, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn).
 

Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thủy sản Thảo (ấp Chống Mỹ B, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) Nguyên Bùi Kim Luyến, cho biết: “Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thủy sản Thảo Nguyên được thành lập vào năm 2011, quy mô 14.000 m2, gồm 20 trại sản xuất tôm giống, với tổng cộng 320 bể nuôi thể tích 7m3/bể, 2 trại nuôi vỗ tôm sú bố mẹ và 3 trại nuôi vỗ tôm thẻ bố mẹ. Hằng năm, Công ty cung cấp ra thị trường trên 1,4 tỉ con giống. Trong đó, con giống tôm sú chiếm 60% và con giống tôm thẻ chiếm 40%. Các thị trường chủ yếu gồm các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Để nâng cao chất lượng và từng bước đáp ứng nhu cầu về số lượng con giống, công ty đang đẩy mạnh áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống như quy trình Biofloc, sử dụng hệ thống lọc nước công nghệ cao trong nuôi tôm bố mẹ và con giống. Bên cạnh đó, công ty còn áp dụng song song quy trình sản xuất giống tôm sú theo tiêu chuẩn hữu cơ EU Organic và tiêu chuẩn BAP đối với tôm thẻ. Đồng thời, công ty đang tập trung đầu tư trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, có thể nâng công suất tối đa lên đến 2 tỉ con giống trên năm”.

Ngoài ra, nguồn tôm bố mẹ cũng là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Đối với tôm sú bố mẹ, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thủy sản Thảo Nguyên nhập từ 2 nguồn chính, gồm tôm bố mẹ nội địa từ vùng biển khơi Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển và tôm bố mẹ Moana từ Công ty TNHH Moana Ninh Thuận, đã được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đưa vào sản xuất. Đối với tôm bố mẹ thẻ, Công ty chỉ nhập từ Công ty Shrimp Improvement Systems - Hawaii Hoa Kỳ, đây là đơn vị cung cấp tôm bố mẹ thẻ hàng đầu thế giới.
 

Tôm giống xuất trại, sẵn sàng phục vụ người nuôi tôm.
 

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 03 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng giống. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện quản lý kiểm dịch giống thủy sản, với 02 trạm đầu mối và 09 trạm trên địa bàn huyện/thành phố Cà Mau. Chi cục Thủy sản hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống về chấp hành quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng giống thủy sản; kiểm tra, giám sát về chất lượng giống thủy sản. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thanh tra đối với cơ sở giống thủy sản trong tỉnh và giống nhập tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển tôm giống trên các tuyến vận chuyển bằng đường bộ lẫn đường thủy và các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Đồng thời, tại các huyện cũng đã thành lập các đoàn liên ngành để phối hợp quản lý tốt chất lượng con giống. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu để trao đổi thông tin 02 chiều về chất lượng hàng ngày và số lượng hàng tuần đối với tôm giống nhập vào Cà Mau, góp phần nâng cao chất lượng tôm giống phục vụ cho người nuôi.

Với tiềm năng, thế mạnh, Cà Mau luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 600.000 tấn, riêng sản lượng tôm đạt trên 240.000 tấn, chiếm khoảng 22% sản lượng tôm cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỉ USD. Cà Mau đã tận dụng tối đa lợi thế về tài nguyên biển và rừng để đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ như tôm - lúa, tôm - rừng,... đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 04 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong nâng cao chất lượng tộm giống đã và đang được triển khai thực hiện thời gian qua, Cà Mau sẽ góp phần cùng với cả nước phát triển bền vững ngành tôm trong tương lai.

Mỹ Trân