Hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau

16:05, 19/12/2023

Nằm trong chuỗi hoạt động tại Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, sáng ngày 13/12/2023, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Hiệp hội, các tổ chức NGO, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh; doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học đã đến dự.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo.
 

Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 1,07 triệu USD/năm, chiếm khoảng 30% giá kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chiếm 89% trong tổng giá trị sản xuất, chiếm khoảng 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái (trong nước và quốc tế) với sự tham gia của 07 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm, với tổng diện tích hơn 23.000 ha/4.000 hộ. Trong đó, vùng nuôi tôm rừng 22.600 ha, tôm lúa 565 ha. Sản lượng hàng năm đạt khoảng từ 8.000 - 10.000 tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ dân trong tỉnh thực hiện với các đối tác khác.


Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định: “Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp những tồn tại, khó khăn nhất định. Hiện chưa có dự án về nuôi tôm được hỗ trợ theo Nghị định 98/NĐ-CP của Chính phủ. Tỷ lệ tham gia các hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất thấp so với tỉ lệ số hộ và diện tích nuôi. Phần lớn, các chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Việc liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn đảm trách. Thông qua, hội thảo lần này, tỉnh Cà Mau mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất phát triển hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng tôm. Từ đó, góp phần đưa ngành tôm Cà Mau nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập”.


Đại biểu dự hội thảo.


Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp, HTX đã thảo luận, phân tích những khó khăn, hạn chế còn tồn tại liên quan đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau. Đại biểu nêu ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến quy trình công nghệ nuôi tôm, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Củng cố, nâng cao năng lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Thúc đẩy phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành tôm trên địa bàn tỉnh giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm tôm, nâng cao sức cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu tôm Cà Mau trên thị trường.

Trúc Đào