Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 (sự kiện) với chủ đề “Festival tôm Cà Mau – Tự hào thương hiệu Việt”, được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 13/12/2023, với chuỗi nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn đã chính thức khép lại để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng đại biểu, người dân và du khách gần xa. Thành công của sự kiện lần này là tiền đề quan trọng để tỉnh Cà Mau quảng bá tiềm năng, thế mạnh về vùng đất và con người Cà Mau, liên kết giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, tạo cơ hội mở rộng tiêu thụ ngành hàng tôm, khẳng định và nâng tầm thương hiệu tôm Cà Mau trên thị trường.
Du khách thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm cùng biểu tượng con tôm.
Năm 2023, lần đầu tiên Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, với quy mô cấp khu vực được tỉnh Cà Mau tổ chức. Sự kiện lần này có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; các tổ chức quốc tế; các hội, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư và đông đảo du khách, Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Các khâu tổ chức sự kiện được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện một cách bài bản, chu đáo, đảm bảo nội dung hoạt động đa dạng, phong phú, đúng chủ đề. Qua đó, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng đại biểu, người dân và du khách gần xa về một Cà Mau an toàn, thân thiện và mến khách.
Chị Nguyễn Thị Thúy Huệ, du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa nhận định: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Cà Mau, đúng vào dịp Festival tôm Cà Mau diễn ra. Tôi thấy các hoạt động được tổ chức lần này rất hấp dẫn, khâu đón tiếp, trang trí được thực hiện bài bản, chu đáo tạo sự thoải mái cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm. Tôi rất ấn tượng bởi không khí ở đây rất trong lành, đường phố sạch sẽ, người Cà Mau thân thiện và mến khách. Mong rằng, sẽ có dịp trở lại Cà Mau du lịch với gia đình trong một ngày không xa”.
Trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau, các đại biểu, người dân và du khách được tham quan các gian hàng trưng bày triển lãm thiết bị, dây chuyền, quy trình, công nghệ, sản phẩm chế biến từ tôm và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực phía Bắc. Đồng thời, có dịp thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và những món ăn đặc sản, đặc trưng của tỉnh Cà Mau. Tham quan, trải nghiệm các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; vùng nuôi tôm có chứng nhận quốc tế; làng nghề,… các tour du lịch cộng đồng, các điểm du lịch nổi tiếng của địa phương. Tất cả hòa quyện, tạo nên một không gian mở, thu hút và tạo ấn tượng đối với du khách và người dân tại sự kiện lần này.
Anh Nguyễn Văn Triều, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Cà Mau vùng đất cuối trời cực Nam của Tổ quốc mà mỗi người dân như tôi đều mong muốn một lần được đặt chân đến. Trước đây, tôi chỉ nghe nói nhiều về thế mạnh của tỉnh Cà Mau là nuôi trồng thủy sản và xuất khẩu tôm, đợt Festival lần này mới có dịp trải nghiệm và tận mắt tham quan các quy trình, sản xuất và chế biến tôm của Cà Mau, tôi thấy rất thú vị. Bên cạnh đó, các món ăn và sản phẩm OCOP làm từ con tôm của tỉnh cũng rất ngon và hấp dẫn. Nhân dịp đến Cà Mau lần này, tôi đã chọn mua vài món làm quà để tặng gia đình và người thân”.
Anh Nguyễn Hoàng Long, ngụ thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời nhận xét: “Là người Cà Mau tôi rất vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên Festival tôm Cà Mau được tỉnh tổ chức với quy mô hoành tráng và nhiều hoạt động đặc sắc. Dù bận việc nhưng tôi vẫn tranh thủ cùng gia đình tham gia trải nghiệm không khí náo nhiệt và các hoạt động tại sự kiện lần này. Mong rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm nhiều sự kiện lớn như thế này nữa để quảng bá, giới thiệu về tôm, cua, những đặc sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh để thu hút du khách đến với quê hương Cà Mau nhiều hơn”.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Festival tôm Cà Mau đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng đại biểu, người dân và du khách gần xa.
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại sự kiện lần này là việc công bố “Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023. Quy hoạch được phê duyệt là nền tảng quan trọng để tỉnh Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mở ra không gian để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các trục tăng trưởng, hành lang kinh tế của tỉnh trong phát triển thương mại và dịch vụ logistic gắn với chuỗi cung ứng. Tăng cường liên kết, hợp tác giao thương, trung chuyển kết nối thị trường hàng hóa của Cà Mau với cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác. Phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (người chỉ tay) khảo sát tuyến đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau trong chuyến thăm và làm việc tại Festival tôm Cà Mau 2023.
Trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, nhiều hội nghị, hội thảo, diễn dàn và các phiên bên lề ngành tôm đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng tôm Cà Mau… Qua đó, góp phần đưa ngành tôm phát triển bền vững, khẳng định vị thế và thương hiệu tôm Cà Mau trên thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, đánh giá: “Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý đặc thù, với 03 mặt giáp biển, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển ngành hàng thủy sản, nhất là tôm. Điều đó đã được khẳng định qua sản lượng khai thác, nuôi trồng và chế biến. Tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh Cà Mau chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, xuất khẩu tôm Cà Mau đạt trên 1 tỷ USD/năm. Hiện nay, tôm Cà Mau có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế và được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Tuy nhiên, tôm Cà Mau hiện đang cạnh tranh với các thị trường như Ecuador, Ấn Độ,…Vì vậy, để khẳng định thương hiệu và tạo sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất. Ngoài nhân rộng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả, tỉnh cần có giải pháp tổ chức liên kết theo chuỗi, chú trọng sản phẩm tôm chế biến sâu để nâng giá trị gia tăng. Kết hợp logistic từ khâu nuôi trồng, ứng dụng khoa học công nghệ và xuất khẩu đến việc liên kết với các nhà phân phối. Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tỉnh Cà Mau quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là kênh hữu hiệu để tỉnh đưa sản phẩm tôm Cà Mau tiêu thụ nhanh, mạnh trên thị trường, mang về nguồn lợi nhuận cao”.
Các món ăn làm từ tôm được chế biến tại chỗ phục vụ nhu cầu của thực khách khi đến Festival tôm Cà Mau.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá: “Cà Mau có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Những năm qua, mặc dù chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp nhưng nhờ sự năng động, tiên phong trong những mô hình nông nghiệp mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đã phát triển nhiều mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến các mô hình như: tôm sinh thái, tôm - lúa, tôm - rừng… tạo ra sự khác biệt ấn tượng cho tỉnh, gắn sản xuất với thị trường. Sau thành công của Festival tôm Cà Mau lần này, tỉnh cần có bước chuẩn bị cho các sự kiện tiếp theo để quảng bá, tiềm năng thế mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương, nhất là con tôm Cà Mau trên thị trường”.
Để góp phần thành công tại Festival tôm Cà Mau năm 2023, ngoài sự nỗ lực của Ban Tổ chức, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương còn có sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ phía các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Tổ chức triển khai các hoạt động theo chương trình, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác truyền thông của các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh cũng góp phần rất quan trọng để quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người dân, bạn bè, du khách trong và ngoài nước về một Cà Mau giàu tiềm năng, lợi thế, năng động, mến khách, tích cực phát triển và hội nhập.
Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 đã khép lại nhưng những ấn tượng đẹp về sự kiện lần này vẫn còn đọng lại. Từ thành công của Festival tôm Cà Mau lần này sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục tổ chức những sự kiện tiếp theo trong tương lai. Qua đó, góp phần tôn vinh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của các địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vững bước đi lên thời hội nhập.