Đánh giá truy xuất nguồn gốc cho xoài, nhãn Đồng Tháp

12:28, 27/12/2019

Cập nhật: 10:53, Thứ 6, 27/12/2019 Các sản phẩm nông sản tại Đồng Tháp, cụ thể là sản phẩm xoài tại HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và nhãn tại xã An Nhơn, xã Phú Hựu (huyện Châu Thành) sẽ được đánh giá truy xuất nguồn gốc.

DN Trung Quốc đến tìm hiểu vùng nhãn của Đồng Tháp để nhập khẩu về nước.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp kết hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) cùng Cty CP VN Trace thực hiện triển khai khảo sát, đánh giá mã vùng, mã xưởng và kê khai sản phẩm trong ngày 25-26/12.

Vốn là vùng trồng nhãn nổi tiếng khu vực ĐBSCL, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) có gần 4.000ha đất canh tác với 3 giống nhãn phổ biến: da bò, xuồng cơm vàng và Edor.

Những năm gần đây, cây nhãn tiêu da bò của địa phương bị dịch chổi rồng tấn công, người dân Châu Thành dần chuyển sang phát triển giống nhãn Edor.

Giống nhãn này có ưu thế cùi dày, ngọt, vỏ mỏng, hạt nhỏ, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt lại cho năng suất, lợi nhuận cao hơn so với các giống truyền thống.

Do đó, tỉnh Đồng Tháp đã chọn thí điểm xây dựng thương hiệuu nhãn Châu Thành để phục vụ xuất khẩu.

Ông Lê Văn Chấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết: Nhãn là một trong 5 ngành hàng chủ lực theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Châu Thành - Đồng Tháp.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh sẽ phát triển vùng trồng nhãn với diện tích 4.000 ha, sản lượng ước đạt 70.000 tấn/năm.

Những năm gần đây, các nhà vườn đã từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT vào thực tiễn SX như bao trái, chọn giống, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, bón phân hữu cơ, đăng ký mã số vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP cho gần 200ha. Hiện tại, nhãn là loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao, dễ trồng, có thể xử lý ra hoa để rải vụ quanh năm, giúp người dân thu lợi nhuận từ 350-400 triệu/ha/năm, cao gấp 11,6 lần so với trồng 3 vụ lúa/năm, gấp 7,8 lần so với ổi và 1,56 lần so với xoài.

Hiện nay nhãn Châu Thành - Đồng Tháp có gần 200ha được cấp mã số vùng trồng. Nhiều năm nay sản phẩm nhãn Châu Thành đã được liên kết với các Cty, DN để cung ứng cho các thị trường trong nước và bước đầu được XK sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Ông Vũ Quang Phúc, cán bộ Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC, Bộ KH-CN) cho biết: Gần đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam theo lộ trình là mít và dưa hấu, sau đó là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm, chuối, vải và năm 2020 là thủy sản.

Cũng trong thỏa thuận hợp tác này, hai bên thống nhất NBC sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để kết nối hệ thống chung của CCIC đồng thời thúc đẩy hải quan hai bên công nhận toàn diện kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, thực hiện thuận tiện giao dịch thương mại.

Hai bên phát huy ưu điểm, tăng cường giao lưu và hợp tác sâu rộng với hải quan mỗi nước, thông qua thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện, phù hợp yêu cầu: tiện lợi, hữu hiệu, đáng tin cậy của Hải quan về các sản phẩm, kiểm tra được nguồn vào, biết được điểm đến, quy được trách nhiệm.

Sự tham gia của NBC và CCIC từ hai quốc gia trong cùng một thỏa thuận hợp tác sẽ đảm bảo tốt nhất cho sự thành công của truy xuất nguồn gốc và trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc bởi mỗi bên tham gia đều có một thế mạnh, lợi thế riêng.

Theo ông Phúc, trước đó, ngày 1/7/2019, NBC có chuyến thăm trụ sở Tập đoàn CCIC và thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đó, hai bên sẽ thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Đặc biệt, hệ thống hai bên phải đảm bảo kết quả được Hải quan Trung Quốc chấp nhận để phục vụ thủ tục xuất nhập khẩu, tạo đà bứt phá cho nông sản Việt.

Sau khi ký Biên bản ghi nhớ hợp tác và nghiên cứu tình hình thực tế tại Việt Nam. Hai bên đã thống nhất chi tiết về mặt kỹ thuật và bắt đầu triển khai từ 12/2019, thực hiện nội dung tiến tới hợp tác và thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau một cách toàn diện.

Đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ thông quan đối với các sản phẩm hàng hóa nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Cũng theo CCIC, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát mã vùng trồng, mã xưởng.

Vì vậy các đơn vị, DN Việt Nam đang có hàng hóa XK sang Trung Quốc cần cập nhật thông tin để kịp thời nắm bắt tình hình tránh những rủi ro cho sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH VN Trace, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết: Quy định XK đi Trung Quốc có mã vùng trồng liên kết mã xưởng SX.

Giấy tờ phải thể hiện là nhãn SX ở đâu, đóng gói nơi nào.

Vì nông dân chưa nhận thức được nên mới bị làm giá.

Nông dân chưa chủ động về giá được nên mới bị ép giá. Nông dân SX nông sản để XK phải thể hiện được trên hợp đồng, bám chặt vào quy định của thị trường nhập khẩu. Hiện nay, Hải quan Trung Quốc đã bắt đầu làm chặt và yêu cầu như thế.

Hiện tại, nhãn là loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao cho thu nhập từ 350-400 triệu/ha/năm.

Theo bà Thực, với vùng trồng lớn nên chia nhỏ thành 100ha/mã để có thể quản lý tốt hơn. Muốn phát triển thương hiệu, thì trước mắt phải làm tốt và toàn diện sản phẩm nông sản từng địa phương, xây dựng tên thương hiệu riêng để tăng độ uy tín và đảm bảo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.